Nội dung được nêu ra tại báo cáo đánh giá tác động của căng thẳng Nga - Ukraine với lĩnh vực hàng không của Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông Vận tải.
Theo Cục Hàng không, các chuyến bay đi, đến Châu Âu phải thay đổi đường bay tránh Nga qua Trung Quốc, Kazakhstan hoặc qua Bắc Phi. Thời gian bay dự kiến tăng thêm từ 60 phút - 120 phút/chuyến bay, kéo theo chi phí phát sinh từ khoảng 10.600 - 21.200 USD/chuyến bay.
Hiện tại, Việt Nam có Vietnam Airlines đang khai thác đường bay đi, đến Nga; Vietnam Airlines và Bamboo Airways đang khai thác các đường bay đi châu Âu và Mỹ có sử dụng các đường bay không lưu quá cảnh qua Nga. Việc cấm các hãng hàng không khai thác các đường bay không lưu qua Nga, hoạt động khai thác của 2 hãng bị tác động lớn.
Cụ thể, Vietnam Airlines đang khai thác 6 chuyến bay/tuần giữa Việt Nam và châu Âu. Như vậy chi phí phát sinh khoảng từ 70.000 - 130.000 USD/tuần. Bamboo Airways khai thác 3 chuyến/tuần giữa Việt Nam và Châu Âu, chi phí phát sinh từ 35.000 - 65.000 USD/tuần.
Các chuyến bay đi/đến Mỹ phải điều chỉnh đường bay tránh không phận Nga kéo dài thời gian bay từ 20-30 phút/chuyến bay tùy từng giai đoạn khai thác. Vietnam Airlines đang khai thác 4 chuyến bay/tuần đi Mỹ, dự kiến chi phí phát sinh khoảng 20.000 USD - 40.000 USD/tuần tùy từng giai đoạn.
Ngoài ra, việc cấm vận hàng không dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.
Vẫn theo Cục Hàng không, Vietnam Airlines khai thác đến Nga bằng máy bay thân rộng Airbus A350, Boeing 787 và gần 80% đội máy bay thân rộng của hãng là thuê. Các hợp đồng thuê máy bay đều có quy định bên thuê không được khai thác đến các nước, vùng đang bị cấm vận, chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu.
Như vậy, khả năng thu xếp được máy bay có thể khai thác đến Nga của Vietnam Airlines rất khó khăn. Trường hợp bay được, máy bay phát sinh kỹ thuật tại Nga thì hãng không thể đưa phụ tùng từ châu Âu đến Nga để sửa chữa do việc cấm vận của Liên minh châu Âu và Mỹ, mà phải vận chuyển từ Việt Nam qua với chi phí vận chuyển rất cao.
Bên cạnh đó, bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của Boeing được đặt tại Nga đã bị ngắt kết nối, không thể hỗ trợ các hãng. Airbus cũng thông báo việc hỗ trợ kỹ thuật, vận chuyển vật tư khắc phục máy bay hỏng hóc tại Nga rất khó khăn.
Ngoài ra, tỉ lệ tái bảo hiểm cho đội máy bay của Vietnam Airlines tại các công ty bảo hiểm có quốc tịch Mỹ, Anh và châu Âu ở mức gần 90%. Các công ty bảo hiểm quốc tế này thuộc đối tượng phải tuân thủ lệnh cấm vận với Nga hiện nay nên không thể chi trả nếu có tổn thất trong khi bay tới Nga…
Với các lý do nêu trên cộng với nhu cầu về cầu hàng hóa đi Nga tụt giảm mạnh, Vietnam Airlines đã phải thông báo dừng hoạt động khai thác đường bay Hà Nội - Moscow từ ngày 25/3. Việc khai thác trở lại trên các đường bay giữa hai nước của các hãng hàng không vẫn còn bỏ ngỏ.
Bình luận